Kỳ thủ huyền thoại cờ vây chia sẻ khi bị đánh bại bởi AI, phải giải nghệ trong cay đắng: Sẽ không có cái kết có hậu nào cho con người

Lee nhìn nhận rằng AI có thể tạo ra công việc mới khi nó lấy đi những công việc khác. Nhưng điều khiến vị kỳ thủ đã giải nghệ này lo ngại hơn cả là tác động của AI đối với sự đánh giá của con người về tính độc đáo.

Trong thế giới cờ vây, Lee Se-Dol là một huyền thoại sống. Ông từng được coi là một trong những kỳ thủ vĩ đại nhất của môn trí tuệ này – một trò chơi được đánh giá là phức tạp hơn cả cờ vua. Thế nhưng, vào năm 2016, cả thế giới cờ vây đã phải chấn động khi Lee bị đánh bại bởi AlphaGo – một chương trình trí tuệ nhân tạo (AI) do DeepMind của Google phát triển. Thất bại này không chỉ là một cú sốc lớn mà còn buộc Lee phải giải nghệ vào năm 2019.

“Khi AI xuất hiện trong cờ vây, tôi nhận ra rằng dù có nỗ lực đến mấy để trở thành số 1, tôi vẫn không phải là người đứng đầu,” Lee tâm sự với Yonhap News Agency. “Ngay cả khi tôi trở thành số 1, vẫn có một thực thể không thể đánh bại được.”

Kỳ thủ huyền thoại cờ vây chia sẻ khi bị đánh bại bởi AI, phải giải nghệ trong cay đắng: Sẽ không có cái kết có hậu nào cho con người- Ảnh 1.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với The New York Times, Lee chia sẻ rằng thất bại trước AlphaGo đã tác động sâu sắc đến cuộc đời ông: “Thua AI, theo một nghĩa nào đó, đồng nghĩa với việc cả thế giới của tôi sụp đổ.”

Giờ đây, ông cảnh báo rằng công nghệ này sẽ không chỉ dừng lại ở việc thách thức các kỳ thủ cờ vây. “Tôi đối mặt với những vấn đề của AI sớm, nhưng nó sẽ xảy ra với những người khác,” Lee phát biểu tại một hội chợ giáo dục ở Seoul. “Có thể nó sẽ không phải là một cái kết có hậu.”

Lee nhìn nhận rằng AI có thể tạo ra công việc mới khi nó lấy đi những công việc khác. Nhưng điều khiến vị kỳ thủ đã giải nghệ này lo ngại hơn cả là tác động của AI đối với sự đánh giá của con người về tính độc đáo. “Người ta từng kinh ngạc trước sự sáng tạo, tính độc đáo và đổi mới,” Lee nói. “Nhưng kể từ khi AI xuất hiện, nhiều điều trong số đó đã biến mất.”

Kể từ khi AI trở nên phổ biến, các nghệ sĩ và một số trí thức hàng đầu đã bày tỏ nghi ngờ về khả năng sáng tạo của công nghệ này. Noam Chomsky, giáo sư ngôn ngữ học và triết gia, từng chia sẻ với Business Insider vào năm 2023 rằng ông “hoài nghi” về khả năng AI có thể tạo ra đột phá trong các lĩnh vực như nghệ thuật.

Đạo diễn Steven Spielberg cũng đã phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với Stephen Colbert rằng AI lấy đi “linh hồn” của công việc sáng tạo. “Tôi nghĩ linh hồn là điều không thể tưởng tượng và không thể diễn tả được,” Spielberg nói. “Và nó không thể được tạo ra bởi bất kỳ thuật toán nào, nó chỉ đơn giản là thứ tồn tại trong tất cả chúng ta.”

Lời cảnh báo của Lee Se-Dol và những ý kiến của các chuyên gia hàng đầu đặt ra một câu hỏi lớn về tương lai: Liệu sự tiến bộ của AI sẽ mang lại một thế giới tốt đẹp hơn hay nó sẽ làm mất đi những giá trị độc đáo và sáng tạo vốn làm nên bản sắc của con người? Câu trả lời vẫn còn là một ẩn số, nhưng rõ ràng, cuộc đua giữa con người và máy móc đã và đang diễn ra, và chúng ta cần phải chuẩn bị để đối mặt với những thách thức mà nó mang lại.

Nguồn: Genk.vn