Taxi điện tự lái gây tranh cãi nảy lửa: Chạy 10 km hết 12.000 đồng, liệu nghề tài xế có sắp hết thời?

Công nghệ tự lái đang được ứng dụng quy mô lớn tại Trung Quốc đúng vào thời điểm kinh tế khó khăn đang khiến người dân Trung Quốc rất nhạy cảm về vấn đề thất nghiệp.

Taxi điện tự lái gây tranh cãi nảy lửa: Chạy 10 km hết 12.000 đồng, liệu nghề tài xế có sắp hết thời?- Ảnh 1.

Hãng tin CNN cho hay tại Trung Quốc, những chiếc taxi điện tự lái có thể chở hành khách đi 6 dặm, tương đương hơn 9,6km chỉ với giá 50 cent (12.665 đồng). Điều này đang tạo nên tranh cãi nảy lửa ở Trung Quốc về một cuộc cách mạng công nghệ mới có thể chấm dứt cả một ngành nghề lâu đời: tài xế taxi.

Đầu tiên trên thế giới

Cụ thể, việc tập đoàn Baidu thử nghiệm hàng loạt taxi điện tự lái, hay còn gọi “Robotaxi”, tại thành phố Vũ Hán đang thu hút được sự chú ý rộng rãi của dư luận Trung Quốc. Với hơn 11 triệu dân, Vũ Hán đang đặt mục tiêu trở thành thành phố đầu tiên trên thế giới áp dụng công nghệ tự lái cho toàn bộ 100% phương tiện.

“Bạn sẽ chẳng cần phải mua ô tô nữa”, một hành khách ngồi trong Robotaxi nói trong video thu hút hơn 80 triệu lượt xem đăng tải trên Weibo tuần trước.

Đội Robotaxi này bao gồm 500 chiếc thử nghiệm, thuộc về dự án Apollo Go của Baidu và đang phục vụ trên quy mô một nửa thành phố Vũ Hán.

Taxi điện tự lái gây tranh cãi nảy lửa: Chạy 10 km hết 12.000 đồng, liệu nghề tài xế có sắp hết thời?- Ảnh 2.

Điều khiến nhiều người tranh cãi là mức giá quá rẻ của đội ngũ Robotaxi này khi chạy quãng đường 10 km chỉ hết từ 4 đến 16 Nhân dân tệ, tương đương 55 cent đến 2,2 USD, thấp hơn so với 18 đến 30 Nhân dân tệ, tương đương 2,5-4 USD của taxi truyền thống.

Trong năm nay, đội Robotaxi này dự kiến sẽ tăng lên 1.000 chiếc và theo kế hoạch, Vũ Hán sẽ thay đổi dần toàn bộ 17.000 taxi truyền thống của mình thành xe điện tự lái để trở thành thành phố đầu tiên trên thế giới làm được điều này.

Tuy nhiên kế hoạch này lại đang gây tranh cãi lớn trên mạng xã hội khi Robotaxi không chỉ cướp việc làm của taxi truyền thống mà còn khiến lượng lớn tài xế làm trong mảng gọi xe chia sẻ đối mặt nguy cơ thất nghiệp.

Sau quãng thời gian 2 năm khó khăn vì đại dịch Covid-19, giờ đây cánh tài xế taxi truyền thống đang phải vật lộn để quay lại kiếm sống thì nay lại phải đối mặt với khả năng bị loại bỏ vì công nghệ mới.

“Trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, người dân Trung Quốc đang khá nhạy cảm với nỗi sợ thất nghiệp và công nghệ xe tự lái bất ngờ ‘nhắc nhở’ cánh tài xế taxi rằng họ có thể mất việc”, giám đốc Tu Le của Sino Auto Insight cho hay.

Tổng cục thống kê Trung Quốc (NBS) cho hay tăng trưởng GDP trong quý II/2024 của nước này chỉ đạt 4,7%, thấp hơn nhiều so với mức dự đoán 5,1% trước đó.

Taxi điện tự lái gây tranh cãi nảy lửa: Chạy 10 km hết 12.000 đồng, liệu nghề tài xế có sắp hết thời?- Ảnh 3.

Bên cạnh đó, sự an toàn của những chiếc taxi tự lái này cũng đang khiến nhiều người nghi ngờ khi chúng gây nên một số vụ ách tắc giao thông vì chạy quá chậm hoặc dừng đột ngột vì lỗi. Những video cho thấy hàng dài ô tô chạy xếp hàng sau những chiếc taxi điện tự lái của Apollo đã lan truyền rộng rãi trên mạng.

Đầu tháng 7/2024, một chiếc taxi điện tự lái đã vượt đèn đỏ và đâm vào người đi bộ.

Cướp bát cơm

Việc Baidu áp dụng thử nghiệm đội hình taxi điện tự lái tại Vũ Hán đã thu hút hơn 75 triệu người dùng trên Weibo tham gia bình luận.

“Phá giá thị trường chưa là gì, công nghệ này sẽ cướp bát cơm của các tài xế taxi truyền thống”, một người dùng viết.

Phía Apollo Go thì cho hay dự án này được chính phủ trợ giá trong khoảng thời gian đầu để hỗ trợ phát triển công nghệ mới chứ không phải là mãi mãi.

Taxi điện tự lái gây tranh cãi nảy lửa: Chạy 10 km hết 12.000 đồng, liệu nghề tài xế có sắp hết thời?- Ảnh 4.

Một nghiên cứu cho thấy bình quân mỗi tài xế taxi tại Vũ Hán chỉ nhận được khoảng 13,2 cuộc chạy mỗi ngày, trong khi các Robotaxi trên có thể nhận đến 20 cuộc mỗi ngày với mức giá cạnh tranh hơn nhiều, qua đó không chỉ phá giá thị trường mà còn đặt dấu chấm hết cho ngành này.

Dự án Apollo cho biết họ có thể có lãi vào năm 2025 nếu Robotaxi được ứng dụng rộng rãi. Chi phí để sản xuất những mẫu Robotaxi này chỉ vào khoảng 200.000 Nhân dân tệ, thấp hơn 60% so với các đời cũ.

Tuy nhiên, câu chuyện sửa chữa, dọn dẹp, hỗ trợ hành khách hay sạc điện của các Robotaxi này thì vẫn cần con người.

Hiện mới chỉ có Mỹ và Trung Quốc là dám áp dụng công nghệ tự lái vào thực tế trên thế giới, trong khi UAE cũng đang mời chào các doanh nghiệp trong mảng này đến thử nghiệm tại quốc gia mình.

Hàng loạt doanh nghiệp Mỹ như Alphabet và GM đã cố gắng phát triển công nghệ này nhưng đều vấp phải quá nhiều khó khăn.

Giấy phép thử nghiệm xe tự lái của dự án Cruise thuộc GM tại bang California đã bị tạm đình chỉ cấp mới từ tháng 10/2023 sau hàng loạt những vụ tai nạn nghiêm trọng. Thậm chí hãng còn đang bị Bộ tư pháp điều tra khi gây thương tật cho người đi đường.

Báo cáo của McKinsey cho hay Trung Quốc, thị trường xe hơi lớn nhất thế giới sẽ trở thành quốc gia hàng đầu toàn cầu trong ứng dụng công nghệ ô tô tự lái. Ước tính của McKinsey cho thấy ngành này có thể tạo 300-400 tỷ USD doanh thu vào năm 2035.

Taxi điện tự lái gây tranh cãi nảy lửa: Chạy 10 km hết 12.000 đồng, liệu nghề tài xế có sắp hết thời?- Ảnh 5.

Tuần trước, khu Pudong tại Thượng Hải đã bắt đầu cấp giấy phép xe tự lái cho Apollo Go và AutoX của Alibaba.

Trước đó vào tháng 6/2024, thủ đô Bắc Kinh cũng tuyên bố đang xem xét lấy ý kiến nhằm xây dựng cơ chế ứng dụng xe tự lái cho các phương tiện công cộng.

*Nguồn: CNN

Nguồn: Genk.vn