Vụ kiện tụng đã rò rỉ những dữ liệu quý giá, ít khi lộ diện của một tập đoàn tư nhân.
Giống với một thế lực khổng lồ có sức ảnh hưởng tới mọi thứ và hoạt động trong bóng tối, Valve nổi tiếng với khả năng giữ bí mật của mình, đặc biệt là cách họ vận hành nền tảng bán game Steam.
Tuy vậy, quy mô Valve lại không tương đồng với những gã khổng lồ khác trong ngành game như EA hay Riot Games với hàng ngàn nhân viên. Theo một bộ dữ liệu mới rò rỉ, thì tới thời điểm năm 2021, số nhân viên của Vave chỉ vỏn vẹn 336 người.
Số dữ liệu này là một phần của tài liệu trong vụ kiện chống độc quyền giữa Wolfire và Valve, trong đó Wolfire buộc tội Valve sử dụng cửa hàng Steam để cạnh trang không lành mạnh và thổi giá game. Mặc dù đã bị che mờ nhiều chỗ, một số dữ liệu vẫn được đưa ra ánh sáng bởi Pavel Djundik, nhà sáng lập SteamDB (Steam Database), một bộ cơ sở dữ liệu về nền tảng bán game Steam.
Những dữ liệu rò rỉ đáng chú ý gồm có số nhân viên của Valve, tổng thu nhập của một số bộ phận trong suốt 18 năm, bên cạnh đó là một số dữ liệu về biên lợi nhuận gộp, qua đó giúp chúng ta đánh giá sơ bộ về hiệu quả hoạt động kinh doanh của Steam.
Dữ liệu nhân viên bị rò rỉ của Valve bắt đầu từ thời điểm 2003, 7 năm sau khi Valve thành lập và cũng là năm Valve chính thức công bố Steam; dữ liệu lộ ra dừng lại ở năm 2021.
Tài liệu bị rò rỉ
Trong tài liệu, tựa đề của cột 3 và cột 4 bị che mờ, nhưng vì bảng có tên “Số nhân viên và Dữ liệu Tổng thu nhập, giai đoạn 2003-2021”, nên tên cột trong bảng dưới đây có thêm tiền tố “phỏng đoán”.
Trong cột hạng mục, chúng ta thấy 4 nhóm nhân viên nhận lương, bao gồm:
– Admin – quản lý
– Games – trò chơi điện tử
– Steam
– Hardware – phần cứng. Chỉ mục xuất hiện bắt đầu từ năm 2011, tuy nhiên phải tới năm 2014, Valve mới công bố sản phẩm phần cứng đầu tiên Steam Machines.
Những con số đáng chú ý
Theo phân tích của phóng viên Jay Peters đến từ The Verge, con số 221 triệu USD của năm 2017 rất đáng chú ý. Trong năm này, Valve đã chi cho nhân viên tới 221 triệu USD để phục vụ công tác “trò chơi điện tử”, tuy nhiên trong năm 2017 Valve không công bố tựa game mới nào. Nhiều khả năng, số tiền khổng lồ được dùng để hỗ trợ Dota 2 và phát triển tựa game mới như Artifact. Đến thời điểm 2021, con số này đã giảm xuống còn 192 triệu USD.
Cũng trong năm 2021, số lượng nhân viên tiếp quản Steam chỉ vỏn vẹn 79 người, một số lượng quá khiêm tốn cho nền tảng phân phối game lớn nhất thế giới.
Bộ phận “Phần cứng” sinh sau đẻ muộn và có lượng nhân viên khá khiêm tốn, chỉ 41 người tính đến năm 2021. Tuy vậy, có thể phỏng đoán rằng số lượng nhân viên của mảng này đã tăng thêm nhiều, nhất là khi Valve đang mở rộng mảng phần cứng của mình với Steam Deck làm sản phẩm flagship.
Trong một bài phỏng vấn được thực hiện cuối năm 2023, lập trình viên Pierre-Loup Griffais, người đang trực tiếp làm dự án Steam Deck, cho hay Valve đang trên đà “trở thành công ty phần cứng toàn phần”.
Số lượng nhân viên ít ỏi cũng giải thích tại sao danh sách sản phẩm của Valve không quá dài. Đây cũng là mục tiêu công kích của Wolfire trong vụ kiện, khi họ cho rằng Valve “dành một tỷ lệ rất nhỏ doanh thu của mình để duy trì và cải thiện Cửa hàng Steam”.
Với tư cách là doanh nghiệp tư nhân, Valve không có nghĩa vụ công bố số nhân viên cũng như dữ liệu tài chính của công ty. Tuy nhiên, Wolfire ước tính rằng Valve sở hữu khoảng 360 nhân viên (một con số có lẽ dẫn nguồn từ chính tuyên bố của Valve hồi 2016), và lợi nhuận trên mỗi nhân viên của Valve rơi vào khoảng 15 triệu USD/năm.
Ngay cả khi con số trên không hoàn toàn chính xác, thì trong chính cuốn Sổ Tay Dành Cho Nhân Viên Mới của Valve, họ tuyên bố “lợi nhuận trên mỗi nhân viên của chúng ta cao hơn cả Google, Amazon hay Microsoft”.
Tuy tài liệu (nay đã bị gỡ khỏi sổ ghi án của tòa) không chứa thông tin về lợi nhuận, những con số rò rỉ đã cho thấy một phần bức tranh toàn cảnh. Chúng có thể ước tính số tiền Valve đang chi trả cho nhân sự là bao nhiêu, và dựa trên những ước đoán về lợi nhuận, có thể thấy chúng chỉ là “muối bỏ bể” so với những gì Valve thu được, từ Steam hay Steam Deck.
Nguồn: Genk.vn