Đây là dòng máy “đỉnh cao một thời” của Dell
“Máy cũ giá rẻ” là chuyên mục giới thiệu những sản phẩm công nghệ tuy không còn mới nhất, nhưng qua thời gian đã giảm giá xuống mức dễ tiếp cận hơn. Do đã qua sử dụng, những sản phẩm này có thể bị ảnh hưởng về hình thức, thời lượng pin cũng như chất lượng. Ngoài ra, chế độ bảo hành của sản phẩm cũ cũng không thể đảm bảo so với hàng mới.
Vì vậy, mặc dù những sản phẩm công nghệ cũ mang đến nhiều giá trị hơn so với những sản phẩm mới trong cùng tầm giá, nhưng người dùng vẫn cần cân nhắc trước khi sở hữu chúng.
Precision 5550 là một trong những dòng máy trạm (workstation) của Dell, được ra mắt vào giữa năm 2020 với mục tiêu cung cấp hiệu năng cao trong một thiết kế mỏng nhẹ. Máy có mức giá khởi điểm 1.999 USD cho cấu hình cơ bản, và có thể lên đến hơn 4.000 USD cho phiên bản cao cấp nhất. Phiên bản với cấu hình khá giống với chiếc máy được đánh giá trong bài viết này, bao gồm Intel Core i7-10875H, 32GB RAM, màn hình 4K và card đồ họa Quadro T2000 Max-Q, có giá khoảng 3.000 USD (khoảng 76 triệu đồng).
Hiện tại, theo tham khảo tại hệ thống cửa hàng HQLap, giá của Dell Precision 5550 đã giảm đáng kể, chỉ còn khoảng 17-18 triệu đồng cho phiên bản Core i7-10850H, RAM 32GB, SSD 1TB, màn hình 4K và GPU NVIDIA Quadro T1000. Các phiên bản với cấu hình thấp hơn, đặc biệt là màn hình Full HD, rẻ hơn từ 1-2 triệu đồng. Điều này khiến cho “giấc mơ một thời” của nhiều người trở nên dễ dàng tiếp cận hơn bao giờ hết.
Thiết kế sang trọng, cứng cáp, tương đối mỏng nhẹ
Precision 5550 là phiên bản workstation của XPS 15 9500, và XPS 15 9500 là dòng máy chứng kiến sự lột xác trong thiết kế của Dell. Vì vậy, so với các dòng workstation trước đó, Precision 5550 kế thừa nhiều chi tiết thiết kế hiện đại và cao cấp.
Precision 5550 sử dụng vật liệu nhôm (cho vỏ ngoài và mặt đáy), nhôm phay xước (cho viền máy) và sợi carbon (cho phần kê tay), kết hợp với viền màn hình siêu mỏng, tạo nên một thiết kế cực kỳ hiện đại.
Trọng lượng của Precision 5550 khoảng 2 kg. Để so sánh, XPS 15 9500 có trọng lượng 1.8Kg, vì vậy Precision 5550 không phải là laptop 15 inch nhẹ nhất. Nhưng khi so sánh Precision 5550 với các dòng workstation thường thấy (vốn thường rất nặng, có những mẫu máy lên đến 2.5 đến 3Kg), Precision 5550 vẫn nhẹ hơn rất nhiều, giúp người dùng có thể mang theo mà không quá “nhọc nhằn”.
Chi tiết thiết kế mà chúng tôi không hài lòng nhất ở Precision 5550 là cáp màn hình “lộ thiên” rất giống với phong cách của MacBook. Khi gập máy lại tạo nên một khe hở khá lớn giữa hai nửa của máy, và người dùng hoàn toàn có thể đưa ngón tay vào khe này để chạm vào cáp màn hình.
Trong điều kiện sử dụng thông thường, cáp màn hình này sẽ khó có thể bị hỏng. Tuy nhiên, người dùng cần lưu ý tránh để sợi cáp này tác động trực tiếp (đặc biệt là với các vật sắc nhọn), bởi nguy cơ đứt cáp màn hình là hoàn toàn có thể xảy ra.
Màn hình 4K IPS: Option hiếm hoi trong phân khúc giá
Cũng như nhiều laptop Windows khác, Precision 5550 đi kèm với nhiều tùy chọn cấu hình khác nhau, trong đó bao gồm màn hình. Bên cạnh tùy chọn màn hình Full HD tiêu chuẩn, điểm mạnh của Precision 5550 so với các mẫu laptop khác trên thị trường là option màn hình 4K IPS với độ phân giải cao 3840×2400, mang lại hình ảnh sắc nét và chi tiết. Ngoài ra, option này cũng hỗ trợ cảm ứng, tương đối hữu ích trong một số trường hợp. Tất cả các phiên bản màn hình đều có tỷ lệ 16:10, giúp tăng diện tích làm việc và nâng cao hiệu suất sử dụng.
Theo đo lường của NotebookCheck, màn hình 4K IPS Touch (Sharp LQ156R1) của Precision 5550 đạt 100% sRGB, 90% DCI-P3 và độ sáng khoảng 450 nits. Đây là những thông số lý tưởng cho công việc đồ họa. Tuy nhiên, người dùng được khuyến cáo nên cân màu bằng thiết bị chuyên dụng để đảm bảo độ chính xác màu sắc.
Một điểm trừ nhỏ của phiên bản 4K IPS là màn gương (glossy) có thể bị lóa dưới ánh sáng mạnh. Phiên bản Full HD là dạng nhám (matte) nên không gặp tình trạng này.
Ngoài ra, người dùng cũng cần lưu ý rằng không phải tất cả các ứng dụng, đặc biệt là ứng dụng bên thứ ba, đều hỗ trợ màn hình độ phân giải cao. Windows 11 đã giải quyết đáng kể tình trạng này, tuy nhiên đôi lúc người dùng vẫn sẽ thấy một số ứng dụng có chữ bị mờ, hoặc chữ to/nhỏ bất thường do lập trình viên chưa tối ưu. Thực tế, ngay cả phần mềm NVIDIA Control Panel phổ biến cũng hiển thị không thật sự thật sự hài hòa trên màn hình này.
Card đồ họa NVIDIA Quadro “chuyên ngành”
Phiên bản đánh giá của Precision 5550 sử dụng card đồ họa NVIDIA Quadro T1000, một card đồ họa chuyên dụng cho các tác vụ kỹ thuật và đồ họa chuyên nghiệp. Đây cũng là option phổ biến nhất đang được bày bán tại Việt Nam hiện nay.
Hiệu năng của Quadro T1000 tương đương với GTX 1650, đủ để chơi được một số tựa game. Tuy nhiên, người dùng không nên mua dòng máy này để chơi game, bởi card Quadro chủ yếu được tối ưu hóa cho các phần mềm kỹ thuật như CAD, 3D modeling…
Ví dụ, SolidWorks, một phần mềm 3D khá phổ biến, không “chính thức hỗ trợ” bất cứ GPU GeForce nào và yêu cầu người dùng phải có GPU Quadro. Thực tế, Dell Precision 5550 với GPU Quadro T1000 nằm trong danh sách “thiết bị được chứng nhận” của SolidWorks, đảm bảo có thể chạy các phiên bản Solidworks từ 2021 đến 2024 với độ ổn định tuyệt đối. Đây là yếu tố tương đối quan trọng trong môi trường kỹ thuật.
Đối với dân kỹ thuật, card Quadro là một lựa chọn đáng giá vì được chứng nhận và tối ưu cho các ứng dụng chuyên nghiệp, đảm bảo độ ổn định và hiệu suất cao. Tuy nhiên, đối với đa số người dùng phổ thông, những lợi ích này của card Quadro là vô nghĩa.
Hiệu năng và thời lượng pin không thật sự ấn tượng
Dell Precision 5550 có nhiều phiên bản chip khác nhau, bao gồm i7-10750H, i7-10850H, i9-10885H và Xeon W-10855M, tuy nhiên, tại Việt Nam chủ yếu là phiên bản sử dụng chip i7. Không khó để thấy với CPU này, đi kèm dung lượng RAM 32GB, SSD và GPU NVIDIA Quadro ở trên, các ứng dụng thường ngày đều được thực hiện một cách trơn tru trên Precision 5550.
Tuy nhiên, nếu xét dưới khía cạnh của một mẫu máy workstation, hiệu năng của Dell Precision 5550 chỉ ở mức trung bình. Trong đó, lý do lớn nhất đến từ con do chip nóng trong khi thân máy lại mỏng, ảnh hưởng đến hiệu suất tổng thể khi máy hoạt động ở tải cao.
Bù lại, Precision 5550 cho phép nâng cấp dễ dàng dung lượng RAM và SSD. Máy hỗ trợ RAM tối đa lên đến 64GB, phiên bản sử dụng chip Xeon có thể yêu cầu RAM ECC. SSD của máy là dạng M.2 NVMe 2280 phổ biến nhất hiện nay mà người dùng có thể tùy ý lựa chọn bất cứ dung lượng nào mình muốn.
Với cấu hình bao gồm chip Core i7, màn hình 4K và GPU Quadro, không ngạc nhiên khi thời lượng pin của Dell Precision 5550 chỉ đạt khoảng 3 giờ sử dụng liên tục. Máy tiêu thụ nhiều điện năng, đặc biệt khi xử lý các tác vụ nặng, do đó cục sạc đi kèm cũng có công suất khá cao, lên đến 130W.
Do có công suất lớn nên cục sạc này cũng có kích thước khá lớn so với đại bộ phận sạc laptop ngày nay và có trọng lượng khoảng 430g. May mắn thay, sạc sử dụng chuẩn USB-C nên người dùng có thể tận dụng để sạc cho các thiết bị khác.
Tốt hơn hết, khi sử dụng Precision 5550 cho các tác vụ chuyên nghiệp, người dùng nên cắm sạc để duy trì hiệu năng tối ưu cho máy. Qua thử nghiệm với phần mềm Geekbench, cùng với profile High Performance, điểm benchmark multi-core CPU Core i7-10850H khi cắm sạc cao hơn tới 26%, chưa kể sự khác biệt về GPU và độ sáng màn hình.
Các yếu tố “ngoại vi” khác
Precision 5550 sở hữu bàn phím với trải nghiệm gõ tốt, đem lại cảm giác thoải mái và chính xác khi làm việc trong thời gian dài. Bàn rê của máy có kích thước cực lớn, chiều ngang gần bằng chiều dài của những chiếc iPhone Pro Max, giúp thao tác mượt mà và chính xác.
Hệ thống loa của Precision 5550 cũng được đánh giá cao, với chất lượng âm thanh tốt nhất trong các laptop Windows và cũng thuộc hàng “một chín một mười” so với MacBook cùng thời điểm.
Phiên bản Precision 5550 được thử nghiệm trang bị đầy đủ các công nghệ bảo mật, trong đó bao gồm nhận dạng khuôn mặt và cảm biến vân tay.
Tuy nhiên, cổng kết nối của máy là một điểm trừ lớn. Là một dòng workstation nhưng Precision 5550 chỉ có 3 cổng USB-C (bao gồm 2 cổng Thunderbolt 3), jack cắm tai nghe và khe cắm thẻ nhớ SD, thiếu các cổng kết nối phổ biến như USB-A, HDMI, và DisplayPort, khiến người dùng phải sử dụng thêm các bộ chuyển đổi.
Tổng kết: Mẫu máy dành cho dân kỹ thuật
Dell Precision 5550 là một chiếc máy trạm di động phù hợp cho những người làm đồ họa, kỹ thuật với nhu cầu đặc thù, có thể khai thác được sức mạnh của màn hình 4K và card đồ họa NVIDIA Quadro. Với thiết kế đẹp mắt, mỏng nhẹ, chất liệu cao cấp, và hiệu năng tốt, máy đáp ứng tốt các tác vụ chuyên nghiệp đòi hỏi độ chính xác và ổn định cao.
Tuy nhiên, đối với những người dùng với nhu cầu văn phòng, học tập, giải trí thông thường, Precision 5550 không phải là sự lựa chọn phù hợp do trọng lượng hơi nặng, cục sạc to khó mang đi lại, màn hình 4K hơi thừa thãi, card NVIDIA Quadro không dành cho game và thời lượng pin không tốt. Nếu thích thiết kế của Precision 5550, người dùng có thể tham khảo mẫu XPS 15 9500, bởi đây chính là phiên bản “bình dân hóa” của chiếc máy này.
Nguồn: Genk.vn