Apple âm thầm thừa nhận chi tiêu quá tay cho dịch vụ xem phim trực tuyến

Dịch vụ xem phim trực tuyến Apple TV+ của “gã khổng lồ” công nghệ Apple (Mỹ) đang đối mặt với bài toán hóc búa: nội dung chất lượng được giới phê bình đánh giá cao nhưng lượng người xem lại rất khiêm tốn. Điều này đặt ra câu hỏi lớn về chiến lược phát triển của Apple TV+ trong bối cảnh thị trường dịch vụ xem phim trực tuyến đang ngày càng cạnh tranh khốc liệt.

Theo Lucas Shaw – phóng viên của Bloomberg, Eddy Cue – Giám đốc dịch vụ của Apple (Mỹ) – đã yêu cầu Zack Van Amburg và Jamie Erlicht (hai người đứng đầu hãng phim của Apple) kiểm soát chặt chẽ hơn chi phí sản xuất. Động thái này được đưa ra trong bối cảnh Apple đang nỗ lực thu hẹp ngân sách cho mảng dịch vụ xem phim trực tuyến.

Apple TV+ được biết đến là dịch vụ “chịu chi” bậc nhất tại Hollywood. Ví dụ điển hình là kinh phí sản xuất “Severance” – loạt phim lấy bối cảnh xã hội đen tối – đã bị đội lên con số khổng lồ 20 triệu USD/tập.

Apple âm thầm thừa nhận chi tiêu quá tay cho dịch vụ xem phim trực tuyến- Ảnh 1.

Việc các dịch vụ xem phim trực tuyến non trẻ “vung tay quá trán” trong giai đoạn đầu gia nhập thị trường không phải là chuyện hiếm. Tuy nhiên, Apple từ lâu đã nổi tiếng với hầu bao “rủng rỉnh” và sẵn sàng chi mạnh tay cho các dự án tiềm năng. Bên cạnh đó, “gã khổng lồ” công nghệ này luôn khẳng định rằng họ không phải là người chi tiêu hoang phí nhất Hollywood. Apple cũng một mực cho rằng số tiền họ bỏ ra là xứng đáng. Minh chứng là việc hãng tuyên bố các bộ phim điện ảnh gần đây của mình dù không thành công về mặt doanh thu phòng vé nhưng vẫn sinh lời.

Vậy đâu là lý do Apple quyết tâm theo đuổi Apple TV+ từ năm 2019? Hai câu trả lời phổ biến nhất là: Apple muốn kiếm thêm thu nhập từ “dịch vụ” – lĩnh vực kinh doanh ngoài iPhone và các thiết bị khác và Apple muốn sử dụng Apple TV+ như một dịch vụ tiếp thị.

Cả hai lý do trên đều hợp lý nhưng vẫn chưa đủ thuyết phục. Lý do chính là bởi Apple TV+ không thực sự phổ biến. Theo thống kê của Antenna (dịch vụ theo dõi đăng ký), Apple chỉ có 18 triệu người đăng ký tại Mỹ vào cuối tháng 1/2024. Con số này quá khiêm tốn so với các “ông lớn” như Netflix và Disney.

Ngoại trừ “Ted Lasso”, hầu hết các chương trình khác của Apple TV+ đều chưa tạo được dấu ấn với khán giả. Điều này khiến cho việc Apple TV+ có thể thúc đẩy mảng dịch vụ hoặc hoạt động tiếp thị của Apple trở nên khó khăn hơn.

Việc Apple cắt giảm chi tiêu cho Apple TV+ dù ít hay nhiều cũng cho thấy hãng đang điều chỉnh chiến lược. Liệu động thái này có giúp Apple TV+ thu hút thêm người dùng và tạo ra cú hích trên thị trường dịch vụ xem phim trực tuyến?

Nguồn: Genk.vn