CEO doanh nghiệp bảo vệ trẻ em trên không gian mạng đầu tiên ở Việt Nam: Nhiều vấn đề xâm hại trẻ em trên không gian mạng xuất phát từ chính cha mẹ!

Rủi ro trên không gian mạng đối với trẻ em đang là một vấn đề nhức nhối, điều này không chỉ đến từ việc trẻ tiếp xúc trực tiếp với môi trường mạng, mà còn đến từ việc bố mẹ chia sẻ hình ảnh, thông tin của con lên mạng.

Nguyễn Như Quỳnh – Co Founder/ CEO CyberKid VietNam tổ chức xã hội đầu tiên của người Việt nêu quan điểm, “nhiều bố mẹ đang vô tình tiếp tay cho kẻ xấu tiếp cận con mình dễ dàng hơn mà không hề hay biết”.

Nguyễn Như Quỳnh là cựu sinh viên Thạc sĩ Chính sách Công tại Đại học Quốc gia Singapore và hiện đang đảm nhận vai trò CEO của CyberKid Vietnam – tổ chức xã hội đầu tiên của người Việt bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, thành lập năm 2020. Hiện Quỳnh đồng thời là Đồng trưởng làng Công nghệ An toàn không gian mạng tại Techfest Việt Nam. Với hơn 7 năm kinh nghiệm làm việc với các tổ chức liên chính phủ và phi chính phủ tại hơn 10 quốc gia trên thế giới, Quỳnh đã có những đóng góp đáng kể trong lĩnh vực an toàn không gian mạng và bảo vệ trẻ em.

Quỳnh chia sẻ, từng gặp một cậu bé bị nghiện game bạo lực nặng và có những biểu hiện hoang tưởng rằng có người đang theo dõi, giám sát… bạn ấy và gia đình. Trong tâm trạng hoảng loạn, cậu bé nhắn tin cho CyberKid cầu cứu. Khi tổ chức cố gắng nói chuyện với bố mẹ bạn ấy, họ lại không tin, thậm chí còn nói rằng: “Thích làm gì thì làm, rảnh thì cứ tiếp chuyện bạn ấy đi.” Đây chính là minh chứng cho việc bố mẹ không nhận thức đầy đủ về hiểm họa mạng, vô tình để con mình rơi vào vòng nguy hiểm.

CEO doanh nghiệp bảo vệ trẻ em trên không gian mạng đầu tiên ở Việt Nam: Nhiều vấn đề xâm hại trẻ em trên không gian mạng xuất phát từ chính cha mẹ!- Ảnh 1.

Quỳnh dù còn rất trẻ nhưng lại có “thâm niên” và là một trong những người tiên phong bảo vệ trẻ em trên không gian mạng tại Việt Nam. Với hơn 7 năm kinh nghiệm làm việc với nhiều tổ chức trong và ngoài nước, bạn thấy vấn đề nhức nhối nhất mà trẻ em hiện nay phải đối mặt trên không gian mạng là gì?

Mình nhận thấy có 2 vấn đề cần lưu ý. Đầu tiên là tin giả, fake news, đây là một vấn đề nghiêm trọng. Hiện nay, trẻ em tiếp xúc với rất nhiều thông tin trên mạng hàng ngày, và học hỏi rất nhiều từ đó. Tuy nhiên, tin giả lan truyền rộng rãi trên mạng mà trẻ em thường có ít kinh nghiệm sống và trải nghiệm hơn người lớn, nên việc phân biệt được tin giả và tin thật là rất khó đối với các em.

Việc không phân biệt được tin giả sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển tư duy và tinh thần của trẻ, dẫn đến những sai lệch về nhận thức, và có thể gây ra các vấn đề về sức khỏe tâm lý. Đây là một vấn đề quan trọng hiện nay.

Thứ hai là bạo lực mạng. Ngày xưa, khi còn đi học, chúng ta chỉ đối mặt với bắt nạt học đường trong không gian vật lý. Nhưng hiện nay, bạo lực mạng trở nên phổ biến hơn với các hình thức như nói xấu, bóc phốt, hoặc lập nhóm chat riêng để tấn công người khác. Đây chính là một dạng bắt nạt mới.

Bạo lực mạng cũng gây ảnh hưởng lớn đến sự phát triển tâm lý và sức khỏe tinh thần của trẻ em. Những việc tưởng chừng như nhỏ nhặt như bị bạn bè đăng ảnh lên mạng kèm theo những bình luận tiêu cực như “xấu thế”, “béo thế” cũng đã là một dạng bạo lực ngôn từ trên không gian mạng. Những điều này dần dần ảnh hưởng đến sự tự tin và sức khỏe tinh thần của trẻ một cách nghiêm trọng.

Cuối cùng, việc lọt lộ thông tin của trẻ em trên không gian mạng là một vấn nạn lớn. Trẻ em dễ dàng chia sẻ thông tin cá nhân mà không lường trước được rủi ro, dẫn đến nguy cơ bị lợi dụng cho mục đích xấu như lừa đảo, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn và tâm lý của trẻ.

Vậy còn việc thông tin của trẻ được chia sẻ trên mạng thông qua cha mẹ, người thân thì sao?

Nguy cơ từ việc bố mẹ chia sẻ thông tin của con cái trên mạng là rất lớn. Nhiều vấn đề xâm hại trẻ em trên không gian mạng xuất phát từ việc lộ thông tin cá nhân quá nhiều. Khi một người lạ có nhiều thông tin cá nhân của bạn, họ dễ dàng kết bạn và xây dựng mối quan hệ, từ đó tiến sâu hơn vào việc lừa đảo hay xâm hại.

Do đó, thông tin cá nhân của trẻ em được đưa lên mạng sẽ tạo điều kiện cho kẻ xấu tiếp cận dễ dàng hơn. Đây là nguy cơ đầu tiên, giúp kẻ xấu dễ xây dựng mối quan hệ rồi lừa đảo trẻ em.

Tiếp theo, thông tin cá nhân còn mở ra nhiều nguy cơ liên quan đến công nghệ Deepfake và các công nghệ tạo video giả mạo. Ví dụ, kẻ xấu có thể sử dụng hình ảnh để tạo video giả nhằm tống tiền bố mẹ hoặc đưa hình ảnh của trẻ vào các trang web xấu, nội dung khiêu dâm để tống tiền trẻ và bố mẹ.

Cuối cùng, nhiều trẻ em không thích việc bố mẹ chia sẻ quá nhiều ảnh của mình lên mạng. Qua khảo sát, chúng mình nhận thấy nhiều em không thích bố mẹ đăng ảnh của mình vì cảm thấy không đẹp hoặc không thoải mái.

Chúng ta đều biết rằng, trẻ em có quyền tự do cá nhân và việc bố mẹ đăng thông tin cá nhân lên mạng có thể làm trẻ cảm thấy bị xâm phạm quyền riêng tư. Điều này dẫn đến mâu thuẫn giữa trẻ và bố mẹ, ảnh hưởng đến kết nối gia đình.

Ngoài ra, việc chia sẻ quá nhiều thông tin cá nhân có thể làm trẻ tự ti về ngoại hình, thành tích học tập, và cảm thấy khó chịu khi người lớn hay bạn bè của bố mẹ biết quá nhiều về mình. Tất cả những điều này đều là những nguy cơ tiềm ẩn khi bố mẹ chia sẻ thông tin của con cái trên mạng.

Các bậc cha mẹ, người lớn nên lưu ý điều gì trong bối cảnh trẻ em – đối tượng dễ tổn thương nhất và đang trở thành nạn nhân của một số vấn nạn xã hội trên mạng?

Điều đầu tiên mình nghĩ bố mẹ nên kết nối nhiều hơn với con. Thực tế, những đứa trẻ bị xâm hại nghiêm trọng thường không muốn chia sẻ với bố mẹ. Do đó, việc kết nối với con giúp con tin tưởng và sẵn sàng chia sẻ khi gặp vấn đề, từ đó bố mẹ có thể can thiệp kịp thời.

Sau khi kết nối và trở thành bạn của con, bố mẹ cần tăng cường giáo dục và nâng cao nhận thức cho trẻ. Không thể phụ thuộc hoàn toàn vào Mỗi đứa trẻ sẽ gặp phải những vấn đề khác nhau trên không gian mạng, và nhà trường không thể biết hết hoặc có chương trình riêng cho từng em. Chỉ có bố mẹ mới thật sự biết vấn đề chính của con để giáo dục chính xác về vấn đề đó. Phải có sự cá nhân hóa, không thể phụ thuộc vào trường học, các tổ chức xã hội hay các chương trình nâng cao nhận thức chung, bố mẹ vẫn phải là người giáo dục chính.

Đặc biệt, bố mẹ không nên cấm con sử dụng mạng. Việc cấm không khả thi và có thể khiến trẻ lách khỏi tầm kiểm soát của bố mẹ, làm tình hình khó quản lý hơn. Thay vì cấm, hãy thiết lập những thói quen và hành vi sử dụng mạng lành mạnh cho trẻ.

Cùng với đó, người lớn nên tôn trọng quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu cá nhân của con trên không gian mạng. Không chia sẻ thông tin cá nhân của con vì có thể dẫn đến nhiều rủi ro.

CEO doanh nghiệp bảo vệ trẻ em trên không gian mạng đầu tiên ở Việt Nam: Nhiều vấn đề xâm hại trẻ em trên không gian mạng xuất phát từ chính cha mẹ!- Ảnh 2.

Cuối cùng, người lớn cũng phải là người dùng mạng an toàn và có thói quen sử dụng công nghệ lành mạnh. Có những phụ huynh dạy con rất hay nhưng lại sử dụng điện thoại liên tục, trẻ sẽ nhận ra mâu thuẫn và không noi theo. Bố mẹ nên là tấm gương về hành vi an toàn và lành mạnh khi sử dụng mạng và thiết bị công nghệ để trẻ có thể noi gương và nghe lời.

Sau 4 năm hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, câu chuyện nào để lại ấn tượng sâu sắc nhất đối với bạn?

Chúng mình có tổng đài trực 24/7 để tiếp nhận những câu chuyện xảy ra với trẻ em và đưa ra phương hướng giải quyết phù hợp. Có một câu chuyện không phải kịch tính hay có mức độ nghiệm trọng nhất nhưng lại khiến mình nhớ nhất vì CyberKid đã phải huy động toàn bộ nhân lực trực điện thoại để hỗ trợ trường hợp này mặc dù thời điểm đó đúng là giai đoạn nghỉ tết.

Đó là câu chuyện của một bạn nhỏ bị nghiện game bạo lực nặng và có những biểu hiện hoang tưởng rằng có người đang theo dõi, giám sát… bạn ấy và gia định. Bạn ấy nhắn tin cho CyberKid với tâm trạng rất hoảng loạn. Điều đáng nói là khi tổ chức cố gắng nói chuyện với bố mẹ bạn ấy thì họ lại không tin. Thậm chí họ còn nói rằng, thích làm gì thì làm, rảnh thì cứ tiếp chuyện bạn ấy đi.

Mình thực sự sốc khi nhận được thông tin như vậy. Nhưng rồi chúng mình đã tìm đủ mọi cách thuyết phục, bố mẹ bạn ấy đã tiếp nhận và đưa con mình đi điều trị tâm lý. Cuối cùng, mọi thứ đã được giải quyết, bạn ấy đã trở lại bình thường. Đến tận bây giờ, tổ chức vẫn quan tâm, theo dõi và hỏi thăm bạn ấy và gia đình.

CEO doanh nghiệp bảo vệ trẻ em trên không gian mạng đầu tiên ở Việt Nam: Nhiều vấn đề xâm hại trẻ em trên không gian mạng xuất phát từ chính cha mẹ!- Ảnh 3.

Nhận diện rõ vấn nạn lớn đối với trẻ em, CyberKid Vietnam ra đời như tổ chức xã hội đầu tiên của người Việt bảo vệ trẻ em trên không gian mạng. Vậy thách thức lớn nhất mà tổ chức phải đối mặt là gì?

Thú thực, thời gian đầu thành lập với 6 thành viên cận 10x, không có ai thật sự tin tưởng CyberKid vì chúng mình còn mới và khá non trẻ. Lúc đấy, mình mới mới tốt nghiệp đại học, cũng chưa có thành tựu cá nhân để tăng uy tín cho tổ chức.

Do đó, khi hợp tác với các đối tác gặp rất nhiều khó khăn. Gần như nửa năm đầu tiên khi mới thành lập, chúng mình đi gõ cửa từng trường học để giới thiệu chương trình nhưng tỷ lệ từ chối lên đến 90%. Đấy là thách thức lớn đầu tiên.

Tiếp theo, CyberKid ra mắt vào đúng tâm dịch Covid-19 năm 2020, các phương thức triển khai các hoạt động gặp nhiều trở ngại. Như mọi người vẫn biết, một trong những hoạt động chính của CyberKid là dưới hình thức offline, đến trường học, đến từng lớp để dạy các bạn nhỏ.

Đến đây, nhiều người sẽ thắc mắc sao không tận dụng công nghệ để dạy online? Tuy nhiên, mình nghĩ muốn một đứa trẻ hiểu được vấn đề, việc gặp gỡ, tương tác trực tiếp sẽ tạo hiệu quả hơn. Thực ra, hồi đấy suy nghĩ của chúng mình đơn giản như vậy. Vì hoàn cảnh không cho phép nên CyberKid tổ chức hoạt động online là chính và phải gác lại nhiều dự định ở thời điểm đó.

Cùng với đó, thiếu nhân lực trở thành một vấn đề lớn. Vì việc tuyển người để cùng đi tình nguyện, cùng đi dạy, cùng làm dự án khá khó. Hơn nữa, đối tượng vận hành tổ chức chính của chúng mình là sinh viên, các bạn ấy lại hơi thiếu kỹ năng số để làm việc nên lại càng khó khi hoạt động trong giai đoạn dịch.

Cuối cùng, kinh khí hoạt động của tổ chức khá eo hẹp. Giai đoạn dịch, các doanh nghiệp, tổ chức có thể hợp tác với CyberKid cần phải cắt giảm nhân sự và phải cắt giảm tài chính, nên không hợp tác được với CyberKid triển khai hoạt động.

Tuy vậy, chúng mình vẫn cố xoay sở để CyberKid sống được. Thứ nhất, các thành viên ban đầu của tổ chức tự bỏ tiền túi của mình. Thứ hai, chúng mình cố gắng tối ưu chi phí hoạt động và vận hành linh hoạt. Ví dụ, với những hoạt động cần chạy quảng cáo, thay vì phải bỏ tiền thì chúng mình tận dụng các nền tảng như Facebook có nhiều hỗ trợ cho các tổ chức vì xã hội để tăng độ nhận diện cho tổ chức. Hay các chi phí như đi lại, in ấn… chúng mình sẽ trao đổi với các đối tác để họ giúp đỡ.

CEO doanh nghiệp bảo vệ trẻ em trên không gian mạng đầu tiên ở Việt Nam: Nhiều vấn đề xâm hại trẻ em trên không gian mạng xuất phát từ chính cha mẹ!- Ảnh 4.

Sau một thời gian hoạt động, mình ước gì bản thân giỏi hơn để giải quyết được nhiều vấn đề, giúp CyberKid phát triển ổn định hơn. Mặc dù CyberKid có mục đích cộng đồng nhưng bắt buộc phải có các kỹ năng doanh nghiệp tốt mới đưa CyberKid đi xa. Vì bản thân mình không phải người có nền tảng tốt về kinh doanh nên mình chưa quản lý thật sự giỏi, mình rất tiếc về điều này.

Ban cố vấn của CyberKid có rất nhiều có tên tuổi lớn, bạn làm thế nào để mời được những người này đồng hành cùng tổ chức?

Việc mời được những người có tên tuổi vào ban cố vấn của CyberKid ở thời gian đầu cũng khá khó nhưng rất thú vị. Lúc đó còn trẻ, chúng mình không suy nghĩ gì nhiều, cứ mạnh dạn gửi email trình bày và thuyết phục họ trở thành cố vấn cho tổ chức.

Một trong những người người đầu tiên chúng mình mời là chú Nguyễn Thanh Sơn làm về truyền thông – CEO của một doanh nghiệp rất lớn tại TP. HCM, say đấy là bác Hoàng Thị Hoa Hoa – Nguyên Phó Chủ Nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.. Khi mời được người đầu tiên rồi, mời những người sau đó rất dễ vì lúc này chúng mình đã có uy tín hơn

Đến nay, chúng mình đã có 12 cố vấn chất lượng nằm trong ban cố vấn của CyberKid. Họ luôn sẵn sàng giúp đỡ chúng mình, mình rất biết ơn về điều này.

CEO doanh nghiệp bảo vệ trẻ em trên không gian mạng đầu tiên ở Việt Nam: Nhiều vấn đề xâm hại trẻ em trên không gian mạng xuất phát từ chính cha mẹ!- Ảnh 5.

Bạn từng chia sẻ: “CyberKid hoạt động theo mô hình doanh nghiệp xã hội, không vì nhuận với nhiều thành viên và rất nhiều cộng tác viên và tất cả mọi người đều làm việc không lương”. Bây giờ điều này thay đổi ra sao?

Thời gian đầu chúng mình làm việc không lương nhưng bây giờ các bạn làm việc toàn thời gian cho tổ chức đã được trả lương. Hiện tại, tổ chức có khoảng 20 nhân sự chính làm việc tại văn phòng và chạy các hoạt động.

Bên cạnh nhóm được trả lương, CyberKid vẫn có nhóm tình nguyện và không nhận lương. Với những sự kiện như đi dạy học, cần một lực lượng đông đảo, chúng mình sử dụng lực lượng sinh viên tình nguyện, tạo cơ hội cho các bạn phát triển kỹ năng.

Để có kinh phí duy trì hoạt động, bạn làm gì để thuyết phục được các tổ chức, trường học phối hợp với các các chương trình, lớp học của CyberKid Vietnam?

Về nguồn thu, chúng mình có sách và game liên quan đến vấn đề của trẻ em trên không gian mạng. Các sản phẩm này được bán cả offline và online cho các doanh nghiệp, tổ chức mua tặng cho con cái của cán bộ công nhân viên.

Khi đi dạy ở các trường học, chúng mình miễn phí hoàn toàn. Nhưng với một số trường có nguồn kinh phí lớn, họ muốn học sinh tiếp nhận nhiều kiến thức hơn thay vì chỉ dạy học thì các sản phẩm về sách hoặc game sẽ hoàn toàn phù hợp.

Bên cạnh đó, chúng mình có nguồn thu khác từ việc giúp các doanh nghiệp, tổ chức thiết kế, triển khai các chương trình liên quan đến chủ đề không gian mạng nói chung.

Trong quá trình hoạt động, cũng đã có lúc chúng mình cảm thấy kiệt quệ vì sắp cạn tiền. Những lúc như thế, mình nghĩ, bất kỳ ai vận hành một doanh nghiệp thì việc nợ lương, thiếu chi phí vận hành cho hoạt động là một thử thách cần vượt qua.

Để giải quyết, chúng mình sẽ ngồi với nhau xác định xem vấn đề ở đâu, vì sao lại không bán các sản phẩm hay vì sao dự án bị chậm dẫn đến việc bên đối tác giải ngân tiền chậm. Mình sẽ phải tìm ra những nguyên nhân ở đâu. Phải nói rất áp lực để tìm được vấn đề đang nằm ở đâu, tìm ra được rồi gỡ nút thắt. Nếu khó quá thì đi hỏi Ban cố vấn rồi giải quyết dần.

Sau 4 năm hoạt động, bạn đánh giá thế nào về những điều CyberKid Vietnam đã đạt được so với mục tiêu ban đầu?

Ban đầu, chúng mình có 3 mục tiêu chính cho giai đoạn 5 năm. Mục tiêu thứ nhất là trở thành tổ chức hàng đầu Việt Nam về bảo vệ trẻ em và thanh thiếu niên trên không gian mạng. Thực ra, bây giờ CyberKid trở thành tổ chức bảo vệ trẻ em và thanh thiếu niên chứ không chỉ bảo vệ trẻ em nữa.

Nhưng về cơ bản, rất nhiều đối tác trong lĩnh vực công nghệ, các doanh nghiệp, trường học phản hồi về các chương trình của CyberKid tốt. Chúng mình đã đưa hợp tác với tỉnh đoàn, Sở tỉnh giáo dục, Sở Thông tin và Truyền thông ở khoảng 24 tỉnh, thành và cả miền núi. Nói chung, đến giai đoạn hiện tại, chúng tôi tương đối hài lòng về mức độ mở rộng của tổ chức.

Mục tiêu thứ hai là mở được 3 văn phòng trên cả nước. Chúng mình đã mở được 2 văn phòng ở TP. HCM và Hà Nội, dự định cái thứ 3 làm ở Đà Nẵng. Thực tế, chúng mình cũng cố gắng như chưa chắc năm sau sẽ hoàn thành mục tiêu này.

Cuối cùng, chúng mình đặt mục tiêu có 5 triệu trẻ em tham gia chương trình của CyberKid. Con số 5 triệu nghĩ thì đơn giản nhưng làm thì thực sự khó. Thú thực, bây giờ mới có khoảng 80.000 – 90.000 trẻ em tham gia thôi, nên con số 5 triệu hẳn là rất khó.

Sau mục tiêu 5 năm, chúng mình có mục tiêu mới là tiếp tục mở rộng tầm ảnh hưởng của CyberKid, mở được văn phòng ở một nước khác nằm trong ASEAN trong 1 – 3 năm tới, có thể là Indonesia hoặc Malaysia. Đa phần các quốc gia trong khu vực đều giống Việt Nam, là những nước đang phát triển nên cách tiếp cận về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng sẽ có nhiều điểm tương đồng.

Điều này được thúc đẩy bởi tinh thần của Bộ Thông tin và Truyền thông của Việt Nam là tạo ra sản phẩm “Make in Vietnam” được biết đến nhiều hơn ở nước ngoài.

Mục tiêu tiếp theo của CyberKid là gì?

Chúng mình đang chuẩn bị ra mắt một dự án bảo vệ người lớn tuổi trên không gian mạng. Chúng mình đã thiết kế xong toàn bộ cấu trúc, các hoạt động của chương trình, đang tìm đối tác triển khai.

Thực tế, người lớn tuổi là đối tượng rất dễ bị tổn thương, họ cô đơn khi con cháu không dành nhiều thời gian quan tâm nên càng sử dụng internet nhiều hơn, nhất là những người sống ở khu vực thành thị. Ngoài ra, người lớn tuổi thường có tiền tiết kiệm nhiều nên khi bị lừa thiệt hại tài chính lớn hơn rất nhiều so với trẻ em. Vì vậy, chúng mình đã phát triển dự án từ đầu năm nay và hiện đang tìm đối tác để triển khai.

CEO doanh nghiệp bảo vệ trẻ em trên không gian mạng đầu tiên ở Việt Nam: Nhiều vấn đề xâm hại trẻ em trên không gian mạng xuất phát từ chính cha mẹ!- Ảnh 6.

Người lớn tuổi rất dễ tin, đặc biệt là những người cô đơn. Đặc biệt, họ thiếu kết nối với người thân trong gia đình. Những người sống cùng con cháu thường ít bị lừa hơn vì có sự trao đổi, chia sẻ. Ngược lại, những người sống một mình hoặc không trao đổi nhiều với con cái dễ bị lừa gạt.

Để tiếp cận với nhóm đối tượng này, chúng mình phải suy nghĩ rất nhiều. Một trong những cách hiệu quả nhất để tuyên truyền đến người lớn tuổi ở Việt Nam vẫn là loa đài xóm, giúp thông tin nhanh chóng đến các cụ. Tuy nhiên, dù có tuyên truyền qua loa đài, chưa chắc các cụ đã nhớ hoặc để ý, đây là vấn đề đầu tiên.

Do đó, chúng mình dự định tiếp cận các tổ chức như Hội cựu chiến binh, Hội phụ nữ, hoặc các chùa nơi có nhiều người lớn tuổi đến. Chúng mình muốn tập trung các cụ lại để dễ dàng truyền đạt thông tin. Tuy nhiên, đây cũng là một thách thức lớn vì CyberKid mới chỉ hoạt động được 4 năm và toàn là thanh niên siêu trẻ.

Với những đối tượng lớn tuổi, việc dùng sinh viên tình nguyện để nói chuyện sẽ không hiệu quả vì các cụ sẽ không tin tưởng. Chúng mình cần tìm chuyên gia, nhưng chi phí cao và thời gian cũng hạn chế. Do đó, Chúng mình nghĩ tới việc hợp tác với công an để tăng độ uy tín. Tuy nhiên, chúng mình cũng chưa từng hợp tác với công an nên đây là thách thức tiếp theo phải xử lý.

CEO doanh nghiệp bảo vệ trẻ em trên không gian mạng đầu tiên ở Việt Nam: Nhiều vấn đề xâm hại trẻ em trên không gian mạng xuất phát từ chính cha mẹ!- Ảnh 7.

Với CyberKid mọi thứ đều có cách giải quyết, cứ đi rồi sẽ tới, mình tin là như vậy!

Nguồn: Genk.vn