BYD, nhà sản xuất xe điện lớn nhất thế giới, gặp thách thức tại thị trường Việt Nam nơi VinFast thống lĩnh thị trường nhờ hạ tầng sạc, cạnh tranh về giá và tâm lý e ngại sản phẩm Trung Quốc.
Vào một buổi chiều tháng 7 nóng nực, ông Nguyễn Thanh Hải đợi đến lượt mình lái thử các mẫu xe của BYD tại Bắc Giang, Việt Nam. Đối với ông Hải, một người tự nhận là đam mê ô tô, đây có thể là chiếc xe điện đầu tiên của ông và ông rất háo hức được thử thương hiệu xe điện lớn của Trung Quốc.
“2 người họ hàng của tôi đã mua xe VinFast cách đây khoảng một tháng”, ông Hải, người đã ngoài 70 tuổi, nói với Rest of World. “Tôi có thể mua 1 chiếc BYD nhưng mối lo lớn nhất là thiếu các trạm sạc”.
BYD chính thức ra mắt thị trường Việt Nam hôm1 8/7 sau nhiều tháng mong đợi và những suy đoán về việc “ông lớn” này sẽ hoạt động như thế nào tại một thị trường mà VinFast đã bám rễ sâu và phủ kín hạ tầng trạm sạc.
BYD chiếm gần 1 nửa thị trường xe điện ở Đông Nam Á, thu hút khách hàng ở các thị trường lớn như Thái Lan, Malaysia và mức giá và dàn xe hấp dẫn. Nhưng Việt Nam là thị trường khó tiếp cận hơn, theo Abhik Mukherjee, nhà phân tích mảng ô tô tại Counterpoint Research.
Xe điện của BYD trưng bày trong ngày khai trương một showroom tại Hà Nội.
“BYD phải đối mặt với những thách thức đáng kể khi thâm nhập thị trường Việt Nam, chủ yếu do VinFast gần như độc quyền cơ sở hạ tầng sạc xe điện”, ông cho biết. “Ngoài ra, tâm lý e ngại hàng Trung Quốc lâu đời tại Việt Nam có thể gây ra rào cản khác, ảnh hưởng đến nhận thức và chấp nhận của người tiêu dùng”.
VinFast hiện nắm giữ mạng lái sạc khổng lồ với hơn 150.000 cổng sạc mà chỉ có xe VinFast có thể tiếp cận. Trước khi BYD ra mắt, VinFast đã tung chính sách miễn phí sạc 1 năm cho người dùng tại bất kỳ trạm sạc này.
Các hãng xe điện khác, gồm 1 số thương hiệu Trung Quốc, như Wuling, Haima hiện diện tại Việt Nam cũng phải sử dụng mạng lưới sạc có phần hạn chế của bên thứ 3. Có khoảng 100 điểm sạc như vậy trên khắp cả nước, Vũ Ngọc – Giám đốc kinh doanh một đại lý của BYD ở Bắc Giang nói với Rest of World.
“Một số khách hàng thích chiếc xe này nhưng lo ngại về việc sạc pin”, ông cho biết. Khách hàng có thể sử dụng các cổng sạc nhanh tại đại lý của ông, cũng như hàng chục đại lý đã mở trên khắp cả nước. Đến cuối năm, BYD có kế hoạch mở tổng cộng 50 đại lý, tất cả đều được trang bị cổng sạc nhanh.
Khách hàng cũng có thể sạc xe tại nhà, theo ông Võ Minh Lực – Giám đốc điều hành BYD Việt Nam cho biết trong buổi ra mắt sản phẩm. “Bạn chỉ cần sạc xe 2 lần 1 tuần”, ông cho hay. Công ty cũng tặng cho những người mua xe đầu tiên một bộ sạc di động và miễn phí lắp đặt.
Ngô Kỳ Lâm, quản lý của Otosaigon cho rằng điều này không thể giải quyết được vấn đề tại các thành phố đông đúc ở Việt Nam. “Không có nhiều ngôi nhà có garage để chứa 1 chiếc ô tô”.
Việc thiếu điểm sạc chỉ là một trong những thách thức của BYD tại Việt Nam. Họ cũng phải cạnh tranh với VinFast về giá. Mẫu xe rẻ nhất của BYD là Dolphin có giá bán lẻ 659 triệu (hơn 26.000 USD) – gấp đôi giá của mẫu xe rẻ nhất từ VinFast – chiếc mini SUV VF 3.
Trên các diễn đàn về ô tô trên Facebook, chiến được định giá của BYD không được đón nhận nồng nhiệt. Nhiều người dùng chỉ ra 3 mẫu xe của BYD gồm Dolphin, Seal và Atto 3 – đắt hơn ở Thái Lan. Chẳng hạn, chiếc Dolphin có giá tương đương 16.000 USD tại Thái Lan, nơi BYD mở 1 nhà máy mới.
Tại Việt nam, giá bán của xe BYD chưa thể cạnh tranh vì hiện hãng đang nhập khẩu các mẫu xe từ Trung Quốc, Nguyễn Đăng Quang, chuyên gia trong ngành ô tô cho biết. “Nếu được nhập khẩu từ Thái Lan, giá có thể giảm 30-50%”. Xe nhập khẩu từ Đông Nam Á được miễn thuế ở Việt Nam.
Đối với BYD, công ty có kế hoạch mở 1 nhà máy khác ở Indonesia, thị trường ô tô lớn nhất khu vực. Việt Nam, trong khi đó, chỉ đạt doanh số hơn 300.000 xe vào năm ngoái, thấp hơn nhiều so với Thái Lan hay Malaysia. Nhưng theo Counterpoint, doanh số xe điện tại Việt Nam đã tăng hơn 400% trong quý I/2024, vượt xa các chỉ số của khu vực.
Các thương hiệu Trung Quốc đang muốn có thị phần lớn hơn tại đây. Wuling hiện lắp ráp ở Việt Nam trong khi Chery và BYD cũng có kế hoạch mở nhà máy.
Tài xế taxi sạc xe điện VinFast tại một trạm sạc của hãng ở Hà Nội.
Bên ngoài Việt Nam, BYD rõ ràng là người dẫn đầu. Công ty này nắm giữ gần 1 nửa thị trường xe điện Đông Nam Á trong khi VinFast chiếm chưa đến 1/5 doanh số. Trên toàn thế giới, VinFast bàn giao gần 35.000 xe vào năm ngoái trong khi BYD bán được hơn 3 triệu xe.
“Nếu bạn theo dõi các cuộc thảo luận trực tuyến, bạn sẽ thấy những người chưa từng lái thử xe tỏ ra phân biệt đối với xe BYD”, chuyên gia ô tô Vinh Nguyễn – người thiết kế các chuyến lái thử cho BYD tại Việt Nam nói với Rest of World. “Phản hồi về chất lượng xe rất tốt từ những người đã ngồi vào xe và lái thử”.
Tại đại lý ở Bắc Giang, buổi lái thử thu hút 118 khách hàng trong 2 ngày và có 8 lượt đặt xe. Hầu hết lượt đặt đến từ công nhân Trung Quốc, vợ\chồng người Việt Nam của họ hoặc những người đã học tập, làm việc tại Trung Quốc, Ngọc cho biết.
“BYD ban đầu sẽ gặp khó nhưng một sản phẩm tốt chắc chắn sẽ giành được lòng tin của người tiêu dùng Việt Nam”, Ngọc nói thêm, đồng thời dẫn chứng một số thương hiệu điện tử Trung Quốc đã được đón nhận tại Việt Nam như Oppo, Xiaomi.
Đối với ông Hải, việc BYD đến từ Trung Quốc không phải vấn đề. “Ngày xưa, chúng tôi đã lái ô tô, xe tải Trung Quốc”, ông cho biết. “Chúng rất tốt”.
Sau khi lái thử 2/3 mẫu xe của BYD, điểm khó khăn của ông Hải, bên cạnh việc thiếu trạm sạc – là giá cả. “Nó đắt hơn so với các mẫu xe khác trên thị trường”, ông nói về chiếc Dolphin. “Tôi sẽ chờ xem”.
Nguồn: Rest of World
Nguồn: Genk.vn