Theo thống kê của World Atlas, Việt Nam là nước xếp thứ 2 thế giới về tỷ lệ hộ gia đình dùng xe máy (86%), chỉ sau Thái Lan (87%).
Được biết, tài sản không đủ điều kiện đăng ký lại sẽ cắt khung, hủy bỏ số khung số máy. Khách hàng trúng đấu giá phải tự cắt bỏ số khung, số máy trước khi ra khỏi kho và chịu toàn bộ chi phí phát sinh.
Số xe này là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị Công an quận 5, TPHCM thu giữ và xử lý theo quy định hiện tại.
Việc đấu giá những tang vật vi phạm đã được nhiều tỉnh thành trên cả nước thực hiện. Gần đây nhất, hồi giữa tháng 7/2024, Công an quận Đống Đa, TP Hà Nội đã đấu gia lô tài sản gồm 71 mô tô hai bánh cũ các loại. Số xe này là tài sản vô chủ được UBND quận Đống Đa xác lập quyền sở hữu toàn dân.
71 xe đấu giá, đa số vẫn còn biển số, là các loại xe thương hiệu Honda, Yamaha với những dòng như Dream, Sirius… Nhiều xe không còn xác định được số khung, số máy và năm sản xuất.
Điểm chung của các phương tiện này là do thủ tục tịch thu, tiêu hủy, bán đấu giá tang vật vi phạm hành chính mất nhiều thời gian nên tất cả đều trong tình trạng cũ nát, hỏng không sử dụng được. Giá khởi điểm của lô tài sản này là 42,3 triệu đồng, tương đương mức bình quân gần 600.000 đồng/xe.
Hay như tại Cần Thơ, Công an huyện Phong Điền cũng đang thanh lý 118 xe máy, trong đó có 20 xe đủ điều kiện đăng ký lưu hành, số còn lại bán theo dạng phế liệu. Giá khởi điểm lô tài sản là 96,9 triệu đồng, chưa bao gồm VAT.
Tại sao các chủ phương tiện bỏ lại xe?
Theo báo cáo của Seasia Stats, năm 2023, Việt Nam là quốc gia sử dụng nhiều xe máy nhất tại Đông Nam Á. Tỷ lệ xe máy trên dân số tại Việt Nam đạt mức 72,8%, cao hơn so với Brunei (67,2%), Malaysia (45,2%), Indonesia (45,1%), Thái Lan (30,6%)…
Trong khi đó, theo thống kê của World Atlas, Việt Nam là nước xếp thứ 2 thế giới về tỷ lệ hộ gia đình dùng xe máy (86%), chỉ sau Thái Lan (87%).
Một bãi xe chứa xe vi phạm tại Hà Nội. Ảnh: Người lao động.
Điều khiến cho xe máy trở thành phương tiện được nhiều người Việt Nam sử dụng là bởi chi phí sử dụng xe máy phù hợp với túi tiền của đại đa số người dân. Ngoài ra, kích thước nhỏ gọn của xe máy sẽ khiến việc di chuyển cơ động hơn, phù hợp ngõ ngách, phù hợp với tình hình giao thông trong nước.
Với người Việt, xe máy không chỉ là phương tiện đi lại mà còn là tài sản của các gia đình. Vậy tại sao một loại tài sản có giá trị như vậy mà khi bị thu giữ, nhiều người vẫn bỏ lại?
Tờ Kinh tế và Đô thị cho biết, nguyên nhân chính các chủ phương tiện bỏ lại xe là do xe không có hoặc mất giấy tờ đăng ký, xe biển giả, các xe nhập lậu được mua trôi nổi trên thị trường.
Bên cạnh đó, một lý do khác là các chủ phương tiện này bị phát hiện hành vi như sử dụng xe trộm cắp hoặc trên người có ma túy khi đi xe nên không dám đến cơ quan công an để xác minh.
Ngoài ra, do mức xử phạt đối với hành vi vi phạm cao hơn giá trị thực của nhiều chiếc xe, cùng với đó là thủ tục nhận lại xe mất nhiều thời gian nên nhiều chủ phương tiện cũng quyết định bỏ lại xe vi phạm.
Theo quy định tại khoản 4, Điều 126, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) và Điều 17 Nghị định 138/2021/NĐ-CP về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ theo thủ tục hành chính:
– Trường hợp xác định được người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp của tang vật, phương tiện thì người ra quyết định tạm giữ phải thông báo cho họ 2 lần.
+ Lần thông báo thứ nhất phải được thực hiện trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện. Lần thông báo thứ hai được thực hiện trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày thông báo thứ nhất.
+ Hết thời hạn 1 tháng, kể từ ngày thông báo lần thứ hai nếu người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp không đến nhận thì trong thời hạn 5 ngày làm việc, người có thẩm quyền phải ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
– Trường hợp không xác định được người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp của tang vật, phương tiện thì người ra quyết định tạm giữ phải thông báo 2 lần trên phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương hoặc địa phương nơi tạm giữ tang vật, phương tiện.
+ Lần thông báo thứ nhất phải được thực hiện trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện. Lần thông báo thứ hai được thực hiện trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày thông báo thứ nhất.
+ Hết thời hạn 1 năm, kể từ ngày thông báo lần thứ hai nếu người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp không đến nhận thì trong thời hạn 5 ngày làm việc, người có thẩm quyền phải ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
Nguồn: Genk.vn