Giá bán chính hãng 19 triệu đồng, thiết kế ừ thì đẹp đấy, camera cũng chụp đẹp, nhưng lại hơi “lấn cấn” ở những điểm này.
OPPO mới đây đã giới thiệu dòng sản phẩm Reno12 series bao gồm 3 phiên bản theo thứ tự từ giá thấp nhất tới cao nhất: Reno12 F, Reno12 và Reno12 Pro. Dòng Reno12 series được OPPO nhấn mạnh vào “khả năng AI” cũng như “chip AI”, đồng thời mang trong mình một ngôn ngữ thiết kế mới có phần nhẹ nhàng hơn so với các model trước đây. Bên cạnh đó, là dòng smartphone hướng tới người dùng trẻ, camera chụp đẹp là yếu tố không thể thiếu trên các dòng Reno12 mới.
Thế nhưng, trong khi model tiêu chuẩn và model F được đánh giá cao, thì OPPO lại có nước đi khá khó hiểu khi ra mắt phiên bản Reno12 Pro giá 19 triệu nhưng trang bị những thứ vốn chỉ có ở phân khúc 5 – 10 triệu đồng.
Máy 19 triệu nhưng “thua” máy 8 triệu
Không phải ngẫu nhiên tôi để từ “thua” ở trong dấu ngoặc kép. Đó là bởi sự “thua” ở đây chỉ được tôi đánh giá ở một phương diện duy nhất: Hiệu năng.
OPPO Reno12 Pro trang bị chip Dimensity 7300 Energy, có nghĩa là chiếc máy 19 triệu này dùng chung chip với Reno12 vốn có giá 13 triệu đồng. Chưa gì đã thấy cấn rồi đúng không?
Trong khi Reno12 bản tiêu chuẩn trang bị con chip 7300 Energy kể trên, và điều này hoàn toàn có thể hiểu được bởi dòng Reno nhìn chung không quá đề cao về vấn đề hiệu năng, nhưng với một chiếc máy có giá lên tới 19 triệu đồng như Reno12 Pro, đáng lẽ ra OPPO phải làm một điều gì đó khác cơ chứ?
Máy 19 triệu nhưng mặt lưng, khung viền nhựa
Một nhược điểm nữa mà tôi muốn đề cập ở OPPO Reno12 Pro là việc chiếc máy này hoàn thiện hoàn toàn từ chất liệu nhựa ở cả mặt lưng và khung viền. Thực ra, việc sản xuất smartphone có bộ vỏ làm từ nhựa không phải là một điều hiếm thấy, hay ít nhất là không có điều gì để nói, nếu như Reno12 Pro không phải có giá 19 triệu đồng.
Với mức giá 19 triệu đồng, người dùng hoàn toàn có quyền yêu cầu một thiết kế ít nhất là phải có phần mặt lưng hoàn thiện từ kính, nhưng OPPO Reno12 Pro lại không đáp ứng được yêu cầu này.
Ấy thế mà phần mặt lưng này của máy lại chỉ hoàn thiện từ nhựa mà thôi. Rõ ràng các model đời cũ, ví dụ như Reno10 Pro đã có mặt lưng kính rồi, nhưng không hiểu vì sao OPPO lại bỏ đi chất liệu này ở model mới
Còn đây là phần khung viền của Reno12 Pro, hoàn thiện dạng bóng cực kỳ bám mồ hôi và dấu vân tay, và trông thì không hề sang trọng so với cái giá 19 triệu chút nào
So sánh thử với một chiếc điện thoại tới từ hãng “X” có giá bằng một nửa Reno12 Pro, tự bạn có thể thấy thiết kế nào đẹp hơn
OPPO Reno12 F và Reno12: Bạn nên mua 2 máy này
Chiến lược ra mắt 3 phiên bản của dòng Reno thực chất đã được OPPO áp dụng từ lâu, trong đó model giá rẻ nhất có hậu tố “F” và model tiêu chuẩn sẽ là 2 model được OPPO đầu tư mạnh, hướng người dùng tới phân khúc tầm trung và cũng là bộ đôi “át chủ bài” để cạnh tranh với các thương hiệu khác như dòng Galaxy A series của Samsung và Redmi Note Pro series của Xiaomi.
Dưới áp lực cạnh tranh cao, Reno12 series, cụ thể là model Reno12 F và Reno12 được trang bị khá nhiều ưu điểm, có thể kể tới như thiết kế đẹp mắt, trẻ trung, diện mạo “dòng chảy bạc” được chọn làm tiêu điểm trong ngôn ngữ thiết kế mà OPPO gọi là “Y2K” này, camera chụp đẹp, chất ảnh và nhiều chế độ làm hài lòng thế hệ trẻ Gen Z cả về chụp ảnh bằng camera selfie hay camera sau. Model Reno12 F lại có một thiết kế hoàn toàn mới bằng cách trang bị cụm camera chính có mô-đun tròn lớn, khiến người dùng liên tưởng tới các dòng Find X cao cấp (mặc dù về cơ bản Reno12 F là một chiếc smartphone “anh em” với OPPO A3 bán tại Trung Quốc).
Nếu theo dõi thị trường smartphone đủ lâu thì bạn có thể tự ngầm hiểu các mẫu điện thoại của OPPO (không phải là dòng cao cấp) bán chính hãng tại Việt Nam đều không hề có cấu hình quá mạnh mẽ so với phân khúc giá, và đây cũng chưa bao giờ là một yếu tố mà OPPO muốn đầu tư. Về cơ bản có 2 lý do giải thích cho việc này: (1) Phần cứng smartphone nhìn chung đã tới giai đoạn bão hoà, việc bỏ thêm chi phí nâng cấp chip xử lý để có một trải nghiệm mượt hơn đôi chút, điều mà người dùng phổ thông có lẽ chẳng mấy ai nhận ra, là một sự lãng phí không cần thiết; và (2) đơn giản là OPPO chẳng có lý do nào để chạy đua hiệu năng ở phân khúc tầm trung.
OPPO Reno series từ khi ra mắt đã chứng minh định hướng tiếp cận người dùng trẻ, vốn quan tâm tới 2 yếu tố thiết kế và camera là hoàn toàn đúng đắn. Bằng chứng là trong nhiều thế hệ, Reno series luôn nằm trong top doanh số bán chạy trong phân khúc tầm trung, luôn là đối thủ nặng ký của Samsung Galaxy A, cũng là dòng sản phẩm có định hướng tiếp cận người dùng tương tự. Chẳng cần phải tập trung vào hiệu năng làm gì, chỉ cần nhìn sang Xiaomi, thương hiệu vốn luôn nổi tiếng với những điện thoại hiệu năng mạnh, giá thành rẻ mà bỏ quên các yếu tố về thiết kế, camera, ta có thể thấy ngay định hướng này không còn phù hợp ở những năm gần đây. Bản thân Xiaomi cũng phải đi theo định hướng tương tự với Samsung và OPPO.
Thế điều gì khiến bạn nên mua 2 chiếc Reno12 mới mà không phải là phiên bản Pro?
(1) 2 chiếc Reno12 F và Reno12 hoàn toàn phù hợp với nhu cầu người dùng trẻ, thực chất không chỉ riêng người trẻ mà đa số người dùng Việt đều phù hợp với bộ đôi này.
(2) Thiết kế đẹp: Khó có thể phủ nhận Reno12 series có thiết kế quá ổn, mặc dù về cơ bản không có gì nổi bật như các thế hệ trước.
(3) Camera chụp đẹp: Camera điện thoại OPPO trước giờ luôn được đánh giá cao, hoàn toàn có thể chụp ra ảnh “lung linh”, chưa kể nhiều bộ lọc màu, chế độ chụp được người trẻ ưa chuộng. Kể cả chụp “mì ăn liền” cũng rất ổn.
(4) Pin 5000mAh dùng rất ổn, có sạc nhanh 80W tặng sẵn, sạc chỉ mất khoảng 30 phút là đầy.
(5) Giá dễ tiếp cận nhất trong phân khúc tầm trung, có đi kèm khuyến mãi giảm giá hoặc quà tặng tuỳ từng nơi bán. Không “ngáo giá” như Reno12 Pro.
Chiến lược “chim mồi”
Giải thích duy nhất phù hợp cho xuất hiện của chiếc Reno12 Pro có lẽ nằm ở chiến lược kinh doanh của chính OPPO.
Chiến lược marketing “chim mồi” là một kỹ thuật tâm lý học được các hãng smartphone sử dụng nhằm tạo sự chuyển hướng lựa chọn của khách hàng về một sản phẩm cụ thể. Thay vì mục tiêu bán sản phẩm, các công ty giới thiệu một sản phẩm “chim mồi” nhằm làm nổi bật một sản phẩm khác và khiến nó trở nên hấp dẫn hơn trong mắt người tiêu dùng.
Ví dụ, khi một công ty smartphone ra mắt ba mẫu điện thoại với các mức giá và tính năng khác nhau, mẫu “chim mồi” sẽ được thiết kế sao cho kém hấp dẫn hơn về tính năng hoặc giá so với mẫu chính mà công ty muốn bán. Điều này làm cho mẫu chính trở nên có giá trị hơn trong mắt người mua. Một số công ty có thể giới thiệu một mẫu điện thoại cực đắt đỏ và ít tính năng, để mẫu điện thoại tầm trung trông có vẻ hợp lý và đáng giá hơn. Đây chính là trường hợp của Reno12 Pro.
Chiến lược này không chỉ giúp tăng doanh số bán hàng mà còn giúp các hãng smartphone tối ưu hóa lợi nhuận từ các sản phẩm chủ lực. Bằng cách giới thiệu sản phẩm “chim mồi”, các công ty có thể điều khiển sự chú ý của khách hàng và hướng họ tới lựa chọn mà họ đã định sẵn từ trước, hay nói cụ thể hơn, là bộ đôi Reno12 F và Reno12 tiêu chuẩn.
Liệu có còn lý do nào khác giải thích cho việc OPPO ra mắt Reno12 Pro “kém hấp dẫn” tới vậy?
Nguồn: Genk.vn