Có ba thị trường ô tô lớn nhất thế giới là Trung Quốc, Hoa Kỳ và châu Âu. Thành thật mà nói, ba thị trường lớn này là những thách thức rất lớn đối với bất kỳ thương hiệu ô tô nào và thực tế là có rất ít thương hiệu xe có thể chinh phục được cả 3 thị trường này!
Có một thực tế là doanh số bán ô tô Nhật Bản cao ở Mỹ nhưng lại thấp ở châu Âu. Volkswagen bán chạy ở châu Âu và Trung Quốc, nhưng không bán chạy ở Mỹ. Các thương hiệu ô tô Trung Quốc đang hoạt động tốt ở thị trường nội địa nhưng khó vào được châu Âu và Mỹ.
Châu Âu là cái nôi của nhiều thương hiệu ô tô nổi tiếng thế giới như Volkswagen, Peugeot, Renault, cùng các thương hiệu cao cấp như Mercedes-Benz, BMW, Audi, và các thương hiệu hạng sang như Porsche, Bentley, Rolls-Royce. Thậm chí, các hãng siêu xe như Ferrari cũng đều có nguồn gốc từ châu Âu. Với nhiều lựa chọn như vậy, người tiêu dùng châu Âu không dễ bị thu hút bởi các thương hiệu mới từ Trung Quốc.
Tuy nhiên, Vương quốc Anh là một ngoại lệ trong thị trường châu Âu. Không chỉ vì nước này đã rời khỏi EU mà còn có nhiều lý do khác khiến thị trường ô tô Anh khác biệt.
Trước hết, người Anh có thu nhập quốc dân bình quân đầu người hiện tại là 51.000 USD, cao hơn nhiều so với Hàn Quốc với 34.000 USD. Điều này cho thấy người Anh có khả năng chi tiêu lớn hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho các thương hiệu ô tô cao cấp từ Trung Quốc như NIO.
Thứ hai, Vương quốc Anh có dân số đông đảo. Dân số của Vương quốc Anh là hơn 67 triệu người, nhiều hơn Hàn Quốc với hơn 51 triệu người. Nhìn chung tại châu Âu, đây cũng là quốc gia có dân số đông và nhiều người tiêu dùng có sức mua.
Thứ ba, thị trường ô tô Anh phụ thuộc nhiều hơn vào nhập khẩu. Ngành công nghiệp ô tô Anh đã sụp đổ từ lâu, với nhiều thương hiệu lớn như Rolls-Royce, Bentley, Jaguar Land Rover, Lotus và MG từng thuộc về Vương quốc Anh. Nhưng BMW của Đức đã mua lại Rolls-Royce, Volkswagen mua lại Bentley, Ấn Độ mua lại Jaguar Land Rover, Geely mua lại Lotus và SAIC mua lại MG.
Do đó, tiêu dùng Anh ít có thành kiến với các thương hiệu xe hơi từ các nước khác so với người Đức, người Pháp hay người Ý.
Thứ tư, thị trường ô tô Anh vẫn đang tăng trưởng. Theo Hiệp hội Công nghiệp Ô tô Châu Âu (ACEA), Vương quốc Anh chiếm 14,9% tổng nhu cầu của ngành ô tô (sử dụng cho hành khách) châu Âu từ tháng 1 đến tháng 5 năm nay, chỉ đứng sau Đức với 21,1%. Không những vậy, tốc độ tăng trưởng của Anh năm nay cao hơn 7,1% so với cùng kỳ năm ngoái, không chỉ vượt tốc độ tăng trưởng trung bình của nhu cầu ngành ô tô châu Âu (4,6%) mà còn vượt Đức (so với cùng kỳ năm trước, tốc độ tăng trưởng 5,2%), Pháp (4,9%), Ý (3,4%), Tây Ban Nha (6,8%).
Thứ năm, Vương quốc Anh không thuộc EU và không áp thuế cao đối với xe điện của Trung Quốc. Gần đây, EU đã áp đặt mức thuế cao đối với xe điện do Trung Quốc sản xuất, nhưng Vương quốc Anh đã rời EU và không trực thuộc thuộc EU. Vì vậy,Anh rất có thể sẽ không theo chân EU trong việc áp thuế cao đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc.
Mặc dù số lượng xe điện Trung Quốc xuất khẩu sang Anh vào năm 2023 chỉ đạt 2.565 xe, thấp hơn nhiều so với Đức (59.000 xe), Pháp (19.000 xe), Ý (16.000 xe) và Thụy Điển (23.000 xe), nhưng điều này lại cho thấy tiềm năng tăng trưởng rất lớn của xe điện Trung Quốc tại thị trường Anh.
Sự thành công của các thương hiệu ô tô Trung Quốc tại Anh có thể là bước đệm quan trọng để họ mở rộng ra các thị trường châu Âu khác. Với khả năng chi tiêu cao, dân số đông, sự phụ thuộc vào nhập khẩu, tốc độ tăng trưởng mạnh và lợi thế từ Brexit, thị trường ô tô Anh đang trở thành “vùng đất của cơ hội” cho các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc.
Nguồn: Genk.vn