Luật mới của Châu Âu về pin có thể khiến Apple thay đổi thiết kế iPhone, mang đến cho người dùng khả năng tự thay pin dễ dàng hơn.
Từ lâu, việc thay pin iPhone luôn là vấn đề nan giải với người dùng phổ thông do thiết kế kết dính phức tạp bên trong. Tuy nhiên, điều này có thể sẽ sớm thay đổi. Theo nguồn tin từ The Information, Apple được cho là đang nghiên cứu công nghệ tháo lắp pin mới cho iPhone 16, dự kiến ra mắt vào mùa thu năm nay. Động thái này được cho là nhằm đáp ứng luật pin mới của Liên minh Châu Âu (EU), có hiệu lực vào năm 2027, yêu cầu tất cả thiết bị điện tử, bao gồm điện thoại thông minh, phải có pin dễ dàng tháo rời và thay thế.
Luật của Nghị viện Châu Âu được thông qua vào năm ngoái, quy định pin của điện thoại thông minh được bán và phân phối trong EU phải tuân thủ các quy tắc thiết kế và tái chế cụ thể. Trong đó, điểm quan trọng nhất là người dùng có thể dễ dàng tự thay pin mới. Quy định này cũng áp dụng cho pin của nhiều loại sản phẩm khác, bao gồm xe điện và xe máy điện.
Hiện tại, pin iPhone được cố định bằng keo dán, đòi hỏi phải có dụng cụ chuyên dụng để tháo rời. Quy trình này khá phức tạp, thường phải được thực hiện bởi các kỹ thuật viên tại các trung tâm bảo hành của Apple. Để tuân thủ luật mới, Apple có thể sẽ sử dụng công nghệ “bóc tách keo dán bằng cảm ứng điện” – sử dụng một “lượng điện nhỏ” để gỡ bỏ pin. Tin đồn về phương pháp thay pin mới này đã xuất hiện từ mùa đông năm ngoái.
Dù vậy, theo nguồn tin của The Information, người dùng vẫn sẽ phải tự mình “mở” iPhone để thay pin, một quy trình không hề đơn giản do cách các linh kiện được kết nối và bắt vít với nhau. Apple được cho là sẽ khuyến cáo người dùng nên tìm đến các dịch vụ sửa chữa chuyên nghiệp thay vì tự mình thực hiện.
Mặc dù vậy, Apple hoàn toàn có thể được miễn trừ khỏi luật pin mới của EU nếu đáp ứng một số tiêu chí nhất định. Cụ thể, pin của hãng phải giữ được ít nhất 83% dung lượng sau 500 lần sạc và 80% sau 1.000 lần sạc. Yêu cầu về dung lượng pin nhằm đảm bảo thiết bị có thể tái sử dụng được lâu dài, từ đó giảm thiểu rác thải điện tử.
Nguồn: Genk.vn